Đã đến lúc phải dùng những biện pháp mạnh để xử lý nghiêm và mở rộng thanh tra toàn bộ các hệ thống để giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam.

Không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia khác đều phải đối mặt với nạn vi phạm bản quyền phần mềm. Tuy nhiên, vấn đề là nước ta có những đặc thù riêng, khiến người dùng không muốn nghĩ tới việc mua bản quyền các phần mềm đang sử dụng.

Thứ nhất, Việt Nam là một nước nghèo, chênh lệch giàu nghèo vẫn còn rất lớn. 

Thứ hai, từ trong tâm lý của mỗi doanh nghiệp và người dùng, hầu hết đều muốn tìm mọi cách để giảm bớt chi phí và ưu tiên nhất là không mua bản quyền phần mềm.

Thứ ba, những sản phẩm thuần Việt của nước ta đa phần “không dùng được”. 

Thứ tư, các chứng chỉ tin học có giá trị chỉ dùng giáo trình và thao tác trên những phần mềm có phí như Microsoft Office, Windows Server, Adobe Photoshop… Trong khi, Linux, OpenOffice.org chỉ là những lớp học cho biết chứ không có giá trị rộng rãi. 

Cuối cùng, không thể không nhắc tới việc quản lý vi phạm bản quyền phần mềm ở nước ta còn quá lỏng lẻo.

 

Thực trạng sử dụng phần mềm

Nếu không muốn mua bản quyền phần mềm, người dùng có thể sử dụng các phần mềm miễn phí, đó là một lựa chọn hay. Song phần mềm miễn phí lại có một khoảng cách khá lớn với người sử dụng. Khoan nói đến hệ điều hành, chúng ta dễ dàng so sánh sự tiện dụng của Microsoft Office và OpenOffice.org. Theo đó, OpenOffice.org muôn thuở vẫn mang một hình hài cũ kỹ, hoàn toàn bị áp đảo bởi vẻ bề ngoài hào nhoáng của Microsoft Office. Chưa kể OpenOffice.org vẫn còn thiếu nhiều công cụ, tính năng hấp dẫn, kể cả việc vẽ biểu đồ, tạo bài trình chiếu cũng còn xấu và thua Microsoft Office rất nhiều. Điều này không khó lí giải, một bên là phần mềm được phát triển bởi một tập đoàn lớn, còn một bên là phần mềm chỉ được phát triển nhỏ lẻ không thu phí sử dụng thì có khoảng cách như vậy là hiển nhiên. Song ngoài OpenOffice.org, chúng ta có còn lựa chọn nào hơn? Tất nhiên, vẫn còn đó những phần mềm miễn phí cùng chức năng, như LibreOffice Calc, nhưng không dễ để người dùng gắn bó khi mà Microsoft Office giúp họ làm việc hiệu quả hơn.

Còn Windows và Linux thì sao? Linux sinh sau đẻ muộn, nhưng khi vừa ra đời, Linux đã được cộng đồng đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt là những năm 2005 đến 2009. Tuy nhiên, cách cộng đồng đón nhận Linux đơn giản là hệ điều hành có tính chất miễn phí. Và cho đến nay, Linux vẫn thuộc dạng phần mềm mã nguồn mở đi kèm giấy phép GPL (mọi người được phép xem mã nguồn, chỉnh sửa tùy ý, nhưng phải giữ lại thông tin bản quyền gốc). Nhờ đó, trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều biến thể được tạo nên từ nền tảng Linux ban đầu. Đây chính là lựa chọn sáng suốt cho những công ty, gia đình không muốn bỏ tiền mua bản quyền Microsoft Windows. Nhưng giao diện Desktop của Microsoft Windows tiếp cận với người dùng đơn giản và tinh tế hơn rất nhiều, từ việc mở một tập tin, thư mục, đến việc sao chép, đóng gói dữ liệu,…

 

Không thể dùng biện pháp kêu gọi

Nước ta cũng đã từng rầm rộ phong trào dùng Linux thay Windows, thậm chí có những lớp học làm quen với Linux, thường dành cho cán bộ, công nhân viên của các công ty, cơ quan nhà nước, nhưng đâu lại vào đó… Kế hoạch không cụ thể, thực hiện không tới nơi tới chốn và thế là người dùng vẫn trung thành với Windows.

Tâm lý người dùng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi thói quen của họ. Từ trước đến nay, cơ quan có chức năng thường chỉ dùng các biện pháp nhẹ nhàng, kêu gọi để mong người dùng biết mua bản quyền phần mềm hoặc chuyển sang dùng phần mềm miễn phí. Dù ý thức được là mình đang vi phạm đấy, nhưng họ vẫn quyết dùng Windows. Rõ ràng không thể nhẹ nhàng được nữa, đã đến lúc phải sử dụng những biện pháp thật mạnh thì mới mong giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền của nước ta xuống mức thấp nhất hơn.

 

Phải tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm

Còn nhớ, Cục Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao PC15 đã thực hiện nhiều cuộc khám xét để phát hiện và xử lý những trung tâm điện máy có vi phạm, tuy nhiên, tất cả chỉ là hình thức, thực tế còn rất nhiều nơi khác cũng cần xử lý tương tự. Thời gian gần đây, nhiều công ty đã tỏ ra e dè hơn khi ý thức được rằng mình đang vi phạm bản quyền, nhưng sự e dè đó cũng dần vơi đi khi đợi mãi mà không thấy PC15 tới kiểm tra. Thật vậy, những cơ quan, xí nghiệp, công ty thiết kế, văn phòng giao dịch,… vẫn ngày ngày hoạt động, nhưng đây lại là những đối tượng đã được PC15 “bỏ quên”, bởi vì họ chỉ nhắm vào các trung tâm điện máy lớn, như một sự răn đe vô ích cho các đối tượng còn lại. Trên hết, PC15 cần phối hợp với nhiều bộ phận khác để tổng thanh tra toàn diện hệ thống công nghệ của các doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề, lĩnh vực hiện nay chứ không riêng gì CNTT.

Về phía người dùng, chúng ta hãy biết trân trọng hơn giá trị của các phần mềm mình đang sử dụng, biết mua – sử dụng để không trở thành một “kẻ cắp”. Những chính sách về giá phần mềm luôn có sự ưu tiên khi phân phối tại Việt Nam (có những sản phẩm sẵn sàng miễn phí với học sinh, sinh viên), đó là điều kiện tốt nhất mà các nhà sản xuất đã tạo ra để chúng ta có cơ hội sở hữu những phần mềm có phí đúng luật. Còn nếu không đủ khả năng, hãy nghĩ tới phần mềm miễn phí và phần mềm mã nguồn mở.


*** Pacisoft.com (Ktis) - Nhà cung cấp, phân phối phần mềm bản quyền uy tín tại Việt Nam ***

 

Nguồn: 24h.com.vn